THẤT BẠI trong khâu chuẩn bị là chuẩn bị cho một THẤT BẠI!

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

(BT)- Lịch sử tiêu cực thi cử và lối thoát.


 Năm 2018, kỳ thi quốc gia xuất hiện hàng loạt sai phạm trong công tác chấm thi dẫn đến việc nâng điểm cho thí sinh trên quy mô lớn ở nhiều địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... Dư luận quạt lửa vào Bộ GD-ĐT đòi bộ trưởng từ chức, đòi bỏ hình thức thi, trả lại cho các trường đại học tự chủ... "Giận cá chém thớt" và như vậy là không công bằng. Thực ra, để đi đến ngày hôm nay là cả một chặng đường dài vật lộn với tiêu cực xã hội để tìm cách thoát ra, đem lại công bằng cho thí sinh mà Bộ GD-ĐT đã và đang làm. Trước khi hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học gộp làm một gọi tắt là "2 trong 1" vào năm 2015, thì các trường đại học tự tổ chức thi tuyển sinh. Tiêu cực trong thi cử thời kỳ ấy đã quá nhức nhối. Các trường tự ra đề, tổ chức thi, chấm thi. Năm nào cũng vậy, thí sinh đổ về, bao vây quanh trường là các "lò luyện thi", thậm chí Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ cũng tổ chức lớp luyện thi thu học phí! Trăm hoa đua nở, mỗi trường một cách... Tiến thêm một bước Bộ GD-ĐT ra đề chung để công bằng về kiến thức và chống lộ đề, các trường tổ chức thi, chấm thi. Bộ đề thi và đáp án ra đời bán đắt như tôm tươi. Tiêu cực vẫn nảy nở, tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch vẫn tồn tại và phát sinh cách mới -fotocopy đáp án- mang vào phòng thi để chép. Ma trận tiêu cực trong coi thi thiên hình, vạn trạng. Mỗi buổi thi, Giám thị chạy như mắc cửi, trong túi bao giờ cũng có vài số báo danh, số phòng thi của người thân để gửi cho nhau. Có nơi thành tổ chức, đánh dấu vào danh sách thí sinh để giám thị biết, sau khi phát đề, đi thu đề thừa lại đến từng phòng nhắc nhở, bổ sung. Giám thị canh chừng cho thí sinh dùng "phao" để chép đáp án. Thí sinh vào phòng thi nhồi nhét "phao" khắp nơi... Khâu chấm thi cũng nóng không kém mặc cho cũng có quy chế chặt chẽ. Thí sinh đánh dấu bài, giáo viên làm phách ghi số phách chuyền cho giáo viên chấm. Tệ hơn, người ta còn dùng thủ đoạn đánh tráo bài thi trước khi chấm. Cũng những năm ấy, chính sách tuyển thẳng thí sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vào đại học đã tạo ra lỗ hổng. Ở các địa phương, tiêu cực từ thi "học sinh giỏi quốc gia". Xuất hiện những cá nhân là "học sinh giỏi" nhưng kết quả học năm đầu ở bậc đại học lại yếu kém. Dư luận lên tiếng nên từ năm Bộ GD-ĐT chỉ cho phép cộng điểm vào với điểm thi đại học để thí sinh vào đại học! Ý định tổ chức một kỳ thi quốc gia chung tại Việt Nam đã từng được ấp ủ và lấy ý kiến từ năm 2009 nhưng do chưa chuẩn bị đầy đủ nên các nhà làm giáo dục Việt Nam đành phải hoãn lại, mặc dù 90% các nước trên thế giới đã tổ chức kỳ thi "2 trong 1" này. Sau khi được đông đảo nhân dân và dư luận ủng hộ, ngày 9 tháng 9 năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chính thức chốt phương án thi quốc gia kể từ năm 2015. Quy chế của kỳ thi này được công bố ngày 26 tháng 2 năm 2015. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại Việt Nam là một bước tiến quan trọng của ngành Giáo dục Việt Nam, được tổ chức bắt đầu vào năm 2015. Là kỳ thi "2 trong 1", được gộp bởi hai kỳ thi là Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng nhằm giảm bớt tình trạng tiêu cực và giảm bớt chi phí xã hội. Tuy nhiên, nhiều thí sinh vùng núi dự thi đại học vẫn phải đi lại xa để dự thi do hình thức tổ chức theo cụm, chỉ tổ chức các điểm thi ở tỉnh có trường đại học chủ trì cụm thi. Việc này cũng dẫn đến ách tắc giao thông ở các thành phố lớn. Hơn nữa, nếu có thí sinh phải thi cả tám môn thì dễ bị đuối sức, mệt mỏi ở các buổi thi cuối. Rất nhiều trường đại học thêm nhiều tổ hợp mới, làm cho cách xét điểm sàn khó khăn. Tỷ lệ tốt nghiệp năm đầu tiên tổ chức đạt gần 92% nhưng nhiều chuyên gia vẫn khẳng định chưa phản ánh đúng thực chất. Từ năm 2017, mỗi tỉnh thành chỉ còn một cụm thi duy nhất do Sở GD&ĐT tỉnh/thành đó chủ trì, có sự phối hợp của các trường đại học. Đề thì do Bộ GD-ĐT ra còn coi thi và chấm thi thì do Sở GD-ĐT tỉnh chủ trì. Năm 2017 là năm đầu tiên các môn được tổ chức thi trắc nghiệm, việc xuất hiện hàng nghìn điểm 10 và điểm sàn nhiều trường lên rất cao khiến dư luận cho rằng đề thi trắc nghiệm quá dễ, khó phân loại học sinh và lắm rủi ro. Khâu coi thi, chấm thi không được giám sát chặt chẽ mà vụ "Đồi Ngô" là một điển hình. Đã xuất hiện bất thường về tỉ lệ điểm cao ở một số tỉnh không phải là đất học truyền thống. Đáng tiếc là những cảnh báo của các nhà giáo dục và dư luận đã không được tiếp thu nghiêm túc. Năm 2018, căn bệnh nan y "tiêu cực thi cử" đã vỡ. Các bất thường ở một loạt tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Lạng sơn... bị phát hiện. Tính nghiêm trọng đến mức phải khởi tố một loạt vụ án ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Bộ GD-ĐT và Bộ CA đã vào cuộc theo sự chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, thiếu đi một sự nghiêm túc, quyết liệt khi sự việc 35 thí sinh tự do là lính NVCA ở Lạng Sơn đã giải quyết nửa vời. Đến ngày công bố điểm đầu vào, báo chí đưa tin, 29 thí sinh là lính nghĩa vụ của Lạng Sơn trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân. Dư luận lại được phen nổi sóng. Học viện ANND phải lên tiếng là sẽ đề nghị xem xét lại những bất thường này. Năm nay (và không loại trừ năm ngoái) tiêu cực đã xảy ra ở khâu coi thi và chấm thi đã khiến dư luận đòi bỏ kỳ thi "2 trong 1", trả lại quyền tự chủ cho các trường Đại học. Nếu như vậy, kịch bản cũ sẽ được diễn lại. Cái đèn cù tiêu cực lại về điểm xuất phát! "Gót chân Asin" của "2 trong 1" đã rõ, nên chăng tìm cách bịt nó lại thay vì đi theo "vết xe đỗ".

Nguồn: http://www.molang0205.com/2018/08/lich-su-tieu-cuc-thi-cu-va-loi-thoat.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét