THẤT BẠI trong khâu chuẩn bị là chuẩn bị cho một THẤT BẠI!

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Bài dự thi


BÀI DỰ THI  CHÀO MỪNG KỶ NIỆM

130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
VÀ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐẠ TẺH LẦN THỨ IX.


Câu 1. Động lực thúc đẩy người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc năm 1911:

Cuối năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, dưới ngọn cờ của giai cấp phong kiến, nhân dân Việt Nam đứng lên đánh trả bọn thực dân Pháp  với tinh thần “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực). Nhưng trước sức mạnh áp đảo của quân thù, triều đình nhà Nguyễn trong thì sợ nhân dân, ngoài thì bạc nhược trước kẻ thù, lúc đầu có sự chống cự yếu ớt, về sau đã từng bước đầu hàng để giữ lấy ngai vàng và lợi ích của hoàng tộc. Năm 1883- 1884, triều đình nhà Nguyễn lần lượt ký hàng ước với thực dân Pháp đưa nước ta từ một nước độc lập, có chủ quyền thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Dưới sự thống trị dã man, tàn bạo của thực dân Pháp, nhân dân ta với tinh thần của con cháu Hai Bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa chống Pháp rầm rộ trên khắp cả nước. Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa này lần lượt thất bại vì chưa có một đường lối lãnh đạo đúng đắn. Đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước của nhân dân ta chuyển theo xu hướng dân chủ tư sản. Tiêu biểu là các phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo (1904 – 1908), phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh lãnh đạo, phong trào Đông Kinh nghĩa thục (1907) do Nguyễn Quyền và Lương Văn Can lãnh đạo. Các phong trào cũng lần lượt thất bại do chưa lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân tham gia. Vậy là, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng, cả dân tộc vẫn chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử ấy. Người đã sớm nhận thức rõ yêu cầu cấp bách là phải tìm ra được một con đường cứu nước mới chứ không thể theo lối mòn của các bậc tiền bối. Nhưng đó là con đường nào? Thì trong Người vẫn chưa có lời giải đáp… Nguyễn Tất Thành sớm nhận ra yêu cầu thực tiễn đó công với nguồn động lực nội sinh ở một bậc vĩ nhân sinh ra trong hoàn cảnh lịch sử và lòng yêu nước nồng nàn của đấng sinh thành đã thấm đẫm trong con người Nguyễn Tất Thành cộng với kinh nghiệm được đúc kết trong chiều dài đấu tranh giữ nước của các bậc tiền bối đã tạo nên động lực vô cũng mạnh mẽ trong con người của Anh.
Về động lực Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước có thể nói đó chính là yêu cầu thực tiễn nóng bỏng đòi hỏi cấp thiết phải tìm ra một con đường cứu nước mới trước một thực tế đau xót là các cuộc khởi nghĩa và phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX đều lần lượt thất bại.
Với tinh thần yêu nước, thương dân, được hun đúc bởi truyền thống yêu nước của dân tộc và những tấm gương sáng ngời của bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, v.v…, Nguyễn Tất Thành đã hình thành quyết tâm phải tìm cho được con đường cứu nước. Nguồn động lực đó ngày càng lớn dần ở Nguyễn Tất Thành:
Ngay từ thủa thiếu thời, Người đã rất ham học những tinh túy của nền Nho học cổ truyền, với trí thông minh đặc biệt người và người luôn luôn lắng nghe những lời luận bàn của các văn thân cùng thời với cha như ông Nguyễn Quý Song (Cử nhân nho học): “Muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải học chữ Pháp”, góp phần giúp Nguyễn Tất Thành chuyển từ học chữ Nho sang học chữ Pháp. Mùa thu năm 1905, Nguyễn Tất Thành vào học Trường tiểu học Pháp – Việt ở Vinh, rồi sau đó học tiếp chương trình này ở Trường Quốc học Huế vì phải theo cha (cụ Nguyễn Sinh Huy) vào kinh nhậm chức. Tại trường tiểu học Vinh, Nguyễn Tất Thành chú ý đến ba từ được sơn vào gỗ, gắn ở phía trên bảng đen “LIBERTÉ, EGALITÉ, FRATERNITÉ” (Tự do, Bình đẳng, Bác ái). Người tìm hiểu và biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của Đại Cách mạng Pháp 1789. Đối với Người, đó là những điều hoàn toàn mới lạ chưa thấy ở sách vở Nho học. Sau này, khi trả lời nhà văn Mỹ Anna Luyxtơrông về ý định xuất dương, Bác Hồ (tức Nguyễn Tất Thành) nói rõ: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” … Những trăn trở đó thực sự đã là những động lực mới “thôi thúc mạnh mẽ ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào” của Nguyễn Tất Thành theo một con đường mới và Người đã quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước khi trạc tuổi 20.
Như vậy, Nguyễn Tất Thành đã “muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp”, “muốn làm quen với nền văn minh Pháp”, nhưng không chỉ để thỏa mãn ước mơ hiểu biết của tuổi trẻ, mà là “muốn tìm xem ẩn giấu đằng sau” những gì đã làm nên văn minh và sức mạnh của phương tây; muốn “xem cho rõ” sự “làm ăn ra sao” của những cường quốc mà các nhà yêu nước Việt Nam đương thời kì vọng có thể giúp đất nước mình thoát khỏi ách thống trị thực dân; và, “sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”, khi ấy Người mới 13 tuổi.
Thực tiễn đã chứng minh chân lý: Lựa chọn con đường ra đi tìm đường cứu nước của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành là hoàn toàn đúng đắn.
Tóm lại, động lực giúp Người ra đi tìm đường cứu nước gồm:
Tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương, Nguyễn Tất Thành sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng không tán thành con đường của họ, nên quyết định tìm con đường cứu nước mới; Được tiếp xúc với văn minh Pháp, Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây để tìm hiểu xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào, giải phóng dân tộc.
Đất nước bị xâm lược, giải phóng dân tộc là yêu cầu cấp thiết: Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam không chỉ bị bóc lột về kinh tế, mà còn phải chịu nỗi nhục mất nước. Độc lập tự do là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam; Mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và phản động tay sai. Nhiệm vụ cứu nước được đặt ra vô cùng cấp thiết.
Sự khủng hoảng về đường lối đặt ra yêu cầu phải tìm con đường cứu nước mới: Cuối thế kỉ XIX, nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp bị đàn áp đẫm máu…, con đường giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ phong kiến đã bị thất bại. Đầu thế kỉ XX, các sĩ phu yêu nước tiếp thu trào lưu tư tưởng mới, tiến hành cuộc vận động cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản…, nhưng cũng không thành công. Sự nghiệp giải phóng dân tộc lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối. [1]
Như vậy, sự kiện Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) một mình ra đi tìm đường cứu nước, ngày 05/6/1911, có ý nghĩa lịch sử to lớn: Là mốc son đánh dấu sự kết thúc hơn 50 năm bế tắc về đường lối trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, cứu nước của ông cha chúng ta; đồng thời khởi nguồn mở ra một thời kỳ mới trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước ta, nổi bật là thời kỳ đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo ngày nay.
Câu 2. Thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Huyện Đạ Tẻh đã làm được những gì nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới? Đồng chí sẽ làm gì để góp phần xây dựng Đạ Tẻh trở thành một địa phương giàu mạnh trong thời gian tới?
Tháng 9/1987, tôi được phân công về giảng dạy tại Trường PTCS Mỹ Đức, cầm chiếc túi xách nho nhỏ trên tay, tôi “hành quân” về trường… hết đúng một ngày với phương tiện… là đôi chân của mình! Hồi đó, xe đạp là phương tiện duy nhất của người dân có thể tham gia giao thông nhưng không phải nhà ai cũng có. Tôi còn nhớ, sau khi về trường, thăm nhà học sinh thấy phụ huynh “treo” xe lên vách nhà để khỏi mục lốp xe. Đời sống nhân dân và cả giáo viên vô cùng khó khăn, khi ấy gia đình nào có vài con cá mắm để ăn với cơm độn sắn là thuộc loại sang lắm rồi!
Nhắc lại chuyện cũ để liên tưởng đến hiện nay - là một người công dân nên tầm nhìn chỉ “gói gọn” tại một địa phương nhỏ (thôn, xã, trường) nên có thể chưa có cái nhìn bao quát hơn với địa phương lớn (như huyện, tỉnh). Tuy nhiên cảm nhận chung của tôi đối với huyện Đạ Tẻh là: Kinh tế phát triển hơn nhiều so với trước đây, nhà nào cũng có vài ba chiếc xe máy, nhiều hộ dân đã có ô tô riêng (tổng thu ngân sách 2016-2020 tăng hàng năm 7,4%, thu nhập đầu người tăng trên 125% so với nghị quyết Đại hội VII huyện Đạ Tẻh) [2]. Trường học, trạm y tế được đầu tư cả về vật chất trang thiết bị, con người nên chất lượng (giáo dục, khám chữa bệnh) ngày càng được nâng cao (10/10 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, 6,5 bác sỹ/ 1 vạn dân; Trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80%, tỷ lệ suy dinh dưỡng còn 10% giảm hàng năm 0,34%) [2]. Điện được đưa đến từng hộ dân với tỷ lệ 99,81% hộ sử dụng [2]. Giao thông nông thôn được cải thiện đáng kể, các công trình được xây dựng khiến cho Đạ Tẻh đẹp hơn, an ninh trật tự đảm bảo (Huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,3% giảm 7,56%; tỷ lệ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh tới 92%;  Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95%, thôn bản văn hóa 97%, cơ quan, doanh nghiệp văn hóa 98%) [2]  nên Đạ Tẻh trở nên THANH BÌNHĐÁNG SỐNG hơn.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân.
Có được các kết quả trên là nhờ công sức lao động của cán bộ nhân dân huyện nhà, bên cạnh đó là sự đóng góp to lớn của các bậc lãnh đạo, các phòng ban thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn…
Kết quả trên là hết sức lớn lao nhưng theo cảm nhận của cá nhân tôi, huyện Đạ Tẻh  cũng có những nhược điểm cần sớm khắc phục như: Về giáo dục và hạ tầng Công nghệ thông tin (CNTT): Các điểm trường xây dựng trước kia do (lịch sử để lại) còn nhiều, cần phải thu hẹp, dẹp bỏ các điểm trường không hiệu quả hoặc quy mô ít để tập trung nguồn lực cho dạy và học; Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ (nhất là trong nhân dân) nên việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và đặc biệt trong nhân dân chưa có tác dụng nhiều, ngay cả giáo dục Đạ Tẻ là huyện duy nhất của Tỉnh chưa có trang web (?),  (Điều này thể hiện rất rõ trong việc dạy và học trực tuyến vừa qua). Chất lượng mũi nhọn ở cấp THCS đã có kết quả khả quan nhưng chưa cao và bền vững so với hai huyện bên cạnh… Về kinh tế, dù có phát triển xong chưa thực sự bền vững, chúng ta vẫn loay hoay trong việc xây dựng mô hình kinh tế nông thôn cho thật sự hiệu quả. Phong tục, tập quán ở vùng đồng bào thiểu số thay đổi chậm theo hướng tích cực.
Là một Đảng viên, giáo viên và là công dân của huyện Đạ Tẻh  tôi cần phải làm những công việc sau để góp phần xây dựng địa phương:
Trước hết, phải tuân thủ quy định của pháp luật. Bên cạnh đó tuyên truyền cho gia đình và nhân dân xung quanh không những tuân thủ pháp luật mà còn thực hiện tốt quy định của thôn, xã…
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc mọi nghị quyết của Đảng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào phải kiên định lập trường chủ nghĩa Mác- Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, góp ý chân thành, đúng nơi, đúng lúc. Nói đúng, làm đúng nghị quyết của chi bộ và đảng bộ cấp trên. Biết làm lan tỏa niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong nhân dân và trong không gian mạng góp phần đấu tranh làm thất bại diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
Thứ ba, theo chức năng nghề nghiệp được giao, thực hiện đúng quy chế, quy định của ngành. Tự học tập, bồi dưỡng tiếp cận nội dung giáo dục mới, đẩy mạnh giúp đỡ học sinh yếu kém, tích cực phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu khi có điều kiện và được phân công.
Hơn lúc nào hết, trong tâm thức của bản thân tôi luôn vang vọng hai câu thơ trong bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
điều đó đang trở thành hiện thực!