THẤT BẠI trong khâu chuẩn bị là chuẩn bị cho một THẤT BẠI!

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

Người Mỹ dự Tết Độc lập đầu tiên của Việt Nam

(ĐQT)- Archimedes Patti là đại diện chính thức của quân đội Mỹ tại Đông Dương trong giai đoạn lịch sử tháng 8 và tháng 9-1945. Quá trình đó đã giúp ông viết cuốn sách nổi tiếng Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu chim hải âu của nước Mỹ (Why Vietnam: Prelude to America's Albatross).

Patti luôn công khai bày tỏ quan điểm chống mọi hành động chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam ngay từ ngày Việt Nam giành độc lập năm 1945.

Từ năm 1944, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (OSS) cử Thiếu tá Patti sang Đông Nam Á thiết lập mạng lưới tình báo chống Nhật. Trong suốt mùa hè và mùa thu năm 1945, Patti cộng tác với phong trào giành độc lập của Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, qua đó có được các thông tin tình báo, giúp phe Đồng minh đánh vào hậu phương lực lượng Nhật chiếm đóng Đông Dương. OSS cũng cử đội Con Nai sang Việt Bắc để hợp tác với lực lượng Việt Minh trong hoạt động tập kích hậu phương quân Nhật.

Tháng 8-1945, Patti dẫn đầu nhóm sĩ quan OSS bay từ Côn Minh sang Hà Nội để giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh của phe Đồng minh, nắm tình hình chuẩn bị giải giáp quân Nhật theo tinh thần Hiệp ước Potsdam. Dưới đây là hồi ức của Patti về những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi động ở Việt Nam:

Archimedes Patti (thứ hai, từ trái sang) và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (thứ hai, từ phải sang) sáng 26-8-1945.

Ảnh tư liệu của Archimedes Patti

Ngày 22-8-1945, đoàn nhân viên OSS do tôi dẫn đầu đáp xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội.

Thành phố lúc đó không có những xáo động lớn, nhưng có những đoàn người xếp hàng tuần hành trên các phố... Phố xá ngập trong cờ đỏ sao vàng. Đó là cờ Việt Minh. Khắp nơi là những biểu ngữ: 'Nước Việt Nam là của người Việt Nam'; 'Đả đảo thực dân Pháp'; 'Hoan nghênh phái đoàn Đồng minh...' đem lại những ấn tượng mạnh mẽ.

Chỉ trong 4, 5 ngày từ khi lên nắm chính quyền ở Hà Nội, Việt Minh đã kiểm soát toàn bộ dịch vụ công của thành phố, duy trì luật pháp và trật tự công cộng nên không có sự cố nào xảy ra. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội không có đổ máu. Bộ đội của ông Võ Nguyên Giáp đã vào thành phố. Họ dàn quân khắp nơi và bắt đầu có dáng dấp của một lực lượng vũ trang quy mô toàn quốc. Họ có quân phục và được vũ trang.

Ngày 26-8-1945, sau khi dự nghi lễ chào cờ các nước đồng minh với ông Võ Nguyên Giáp, tôi nhận được lời mời đi cùng ông tới hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một nơi kín đáo. Chúng tôi cùng dùng bữa trưa và có một cuộc nói chuyện dài về các chủ đề khác nhau. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được gặp Người ở Hà Nội.

Trong khi chính quyền Việt Minh làm công tác chuẩn bị cho Lễ tuyên bố độc lập, tôi đi dạo khắp nơi trong thành phố để tìm hiểu tình hình cộng đồng người Pháp, cộng đồng người Hoa và dĩ nhiên là cả tình hình quân Nhật.

Hai ngày sau cuộc gặp đầu tiên, tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến gặp. Chủ tịch cho tôi xem bản thảo của Tuyên ngôn Độc lập sẽ được Người đọc vài ngày sau. Vì tôi không đọc được tiếng Việt, nên văn bản này đã được dịch sang tiếng Anh. Tôi kinh ngạc nhìn thấy những câu của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ trong văn bản này. Nhìn những câu chữ như quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc, tôi thoạt đầu không tin ở mắt mình... Sau khi giúp tu chỉnh một số trật tự câu trong bản tiếng Anh, tôi chính thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự Lễ tuyên bố độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nằm kề bên Dinh toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch-ND) hôm 2-9 tới.

Ngày 1-9, đã có những dòng người đông như mắc cửi diễu hành trong thành phố. Người dân tới từ khắp các vùng lân cận, bận những trang phục đẹp mắt, đủ các sắc màu. Họ là đại diện của người thiểu số miền núi, của nhân dân từ các vùng miền khác. Họ thực sự hạnh phúc, vui sướng trong không khí như ngày hội. Phố xá ngập cờ hoa, khẩu hiệu cách mạng. Các băng rôn vẫn mang nội dung: 'Nước Việt Nam của người Việt Nam'; 'Chào mừng Đồng minh'; 'Vì tự do, chống thực dân'... Tối hôm đó, tôi lại được ăn tối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời của ông. Đó là thời khắc giống như ngày cuối cùng của thời kỳ đau khổ, bắt đầu ngày khải hoàn, thời kỳ độc lập dân tộc của Việt Nam.

Sau bữa tiệc, tôi có cuộc thảo luận dài với đại diện quân Tưởng Giới Thạch vừa đến nơi. Họ tỏ ra rất e ngại không hiểu điều gì sẽ xảy ra với cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Tôi nói với họ là không cần phải lo lắng, vì lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bảo đảm với tôi sẽ không có điều gì xảy ra với người Pháp, người Trung Quốc và người Nhật. Quân Tưởng có vẻ như không tin tôi, nhưng quả thực mọi sự sau này đúng như thế. Đã không có chuyện gì xảy ra với người nước ngoài vì Hồ Chí Minh và chính quyền mới bảo đảm an ninh cho các cộng đồng khác nhau ở Việt Nam. 

Sáng sớm 2-9, theo đúng kế hoạch, các đoàn người bắt đầu tập kết vào thành phố. Các dòng thác người tuôn trào từ tất cả các hướng từ bên ngoài, họ đi vào theo nhóm cùng địa phương, dòng tộc. Các lực lượng quân sự cũng dàn đội hình trên Quảng trường Ba Đình, nơi đã hình thành một biển người. Người ta đã dựng sẵn một lễ đài cao khoảng 6m, gần như hình vuông, được bao phủ bởi vải màu trắng và đỏ.

Khoảng sau 1 giờ chiều, mặt trời chiếu sáng chói chang. Có một làn gió rất nhẹ thoảng qua. Rồi chỉ trong vài giây, các mệnh lệnh đã vang lên khắp nơi, sau đó là những hồi kèn. Có một vài tiếng trống. Rồi ai đó đã lên tiếng từ trên lễ đài, kêu gọi mọi người chú ý, hẳn là thông báo về sự xuất hiện của Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Vài phút sau, tôi nhận ra Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài. Ông bắt đầu nói và một sự tĩnh lặng bao trùm lên đám đông. Đó là một biển người rộng lớn, vậy mà bạn có thể nghe thấy tiếng một chiếc kim rơi. Ông Hồ bắt đầu nói và tôi nghĩ chắc ông ấy chỉ đơn thuần chào hỏi mọi người. Rồi đột nhiên tôi nghe thấy Chủ tịch cất giọng cao hơn và nói một câu bằng tiếng Việt, khiến tôi huých nhẹ người phiên dịch của chúng tôi. Người phiên dịch trả lời: Ông Hồ Chí Minh hỏi 'Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?'. Rồi ngay sau đó lập tức có một tiếng đáp lớn của đám đông: 'Có, nghe rõ...'. Vâng, từ lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hút hồn cả một dân tộc, có thể nói như vậy. Ông ấy đã đi vào lòng dân cả nước Việt Nam. Tất cả họ đều sát cánh bên ông, lắng nghe tiếng nói của lãnh tụ. Bắt đầu đọc Tuyên ngôn Độc lập, ông Hồ mở rộng ra ngoài, kể lại gần như toàn bộ lịch sử của Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Đó là cách mà buổi lễ đã diễn ra trong gần một giờ. Sau đó, nó được tiếp nối bởi các thành viên khác của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Ông Võ Nguyên Giáp là người lên tiếng tiếp theo...

Theo LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)/Quân đội Nhân dân