THẤT BẠI trong khâu chuẩn bị là chuẩn bị cho một THẤT BẠI!

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

PHẬN NƯỚC- PHẬN CỜ

Nguyễn Văn Thịnh
Trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt đã qua, người Việt Nam không dễ chọn một lá cờ theo tâm nguyện của mình. Nhưng khi đất nước đã thống nhất độc lập rồi thì quốc kỳ không thể theo ý của một ai, cũng không thể đại diện riêng của phe này phái nọ. Nó được định đoạt bởi quyền lực của nhân dân thông qua hiến pháp. (NVT)
Người Việt xưa không có khái niệm “quốc kỳ”. Bà con ta quen gọi “cờ vua” –  biểu trưng cho một hoàng triều hoặc một vương triều và “cờ xí” – biểu trưng cho một đạo quân. Cờ và xí thường có ký tự bằng chữ Hán. Trong các dịp lễ hội còn được trang trí bằng những lá cờ vuông ngũ sắc có diềm tua và những giải phướn đủ màu.

Sau khi Pháp bình định xong Đông Dương, lá cờ tam tài ra đời từ thời cách mạng 1789 ngạo nghễ phủ khắp xứ Đông Pháp xa xôi. Sang thế kỷ XX mới thấy xuất hiện những lá cờ biểu trưng một đoàn thể, một chính thể, một vùng lãnh thổ hay một quốc gia. Để tìm hiểu xuất sứ và ý nghĩa của những lá cờ biểu trưng đáng nhớ xuất hiện trong lịch sử Việt Nam cận hiện đại, người viết sưu tra tư liệu, đọc hồi ký của nhiều nhân vật lịch sử, tham khảo ý kiến của hiếm hoi vị lão niên từng là chứng nhân qua các thời kỳ, giới thiệu với bạn đọc. Dù chưa thỏa ý nhưng chí ít cũng giúp bạn đọc hiểu được phần nào
1/ Cờ đỏ sao vàng:

Khởi thủy, lá “cờ đỏ sao vàng” (ngôi sao vàng năm cánh nằm chính giữa nền đỏ) xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940) lúc ấy là xứ Cochinchine trực trị của Pháp. Dù bị dìm trong biển máu nhưng lá cờ thật sự là biểu tượng của truyền thống yêu nước Việt Nam, ý chí quật cường đấu tranh giành thống nhất non sông, độc lập quốc gia và chủ quyền dân tộc.
Theo Sơn Tùng thì tác giả của lá cờ là nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (5/3/1901 – 28/8/1941, quê Hà Nam), là một trong tám chiến sỹ bị giặc Pháp tử hình ở Ngã ba Giồng, Hóc Môn. Khi phác họa lá cờ tổ quốc, tác giả giải thích trong thơ:
Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì nước
Sao vàng tươi, da của giống nòi
Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sỹ-nông-công-thương-binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.
Theo Lê Tú Lệ thì tác giả là nhà cách mạng Lê Quang Sô, quê Gò công, Mỹ Tho.
Lúc đầu, một số người cực đoan quyết liệt phản đối, tới mức đòi tử hình người “vẽ” ra lá “cờ đỏ có sao vàng năm cánh” vì theo họ, cờ cách mạng chỉ có thể là “cờ đỏ búa liềm” biểu trưng của phong trào cộng sản quốc tế! Nhưng rồi cũng qua. Việc xác minh những sự kiện lịch sử trong điều kiện hết sức khắc nghiệt thật vô cùng khó khăn vì sự việc phải giữ kín tuyệt đối mà chứng nhân phần lớn đã hy sinh trong chiến đấu hoặc theo quy luật nhân sinh và người còn lại thì khiêm nhường không muốn kể công mình. Lá “cờ đỏ sao vàng” theo cao trào cách mạng từ Nam ra Bắc, lại từ Bắc vào Nam. Vượt bao gian khó hy sinh, lá cờ tung bay trên khắp non sông Việt Nam từ địa đầu phía Bắc tới cực Nam tổ quốc kêu gọi những ai con Lạc, cháu Hồng hãy kề vai sát cánh cùng đứng lên giành độc lập quốc gia, chủ quyền dân tộc. Tại “Quốc dân hội nghị” họp ở Tân Trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đã đề xuất lấy “cờ đỏ sao vàng” và bài hát “Tiến quân ca” làm biểu trưng cho nước Việt Nam mới.
Cách mạng tháng Tám thành công. Sau non thế kỷ mất nước, lần đầu tiên người Việt Nam được hưởng quyền “phổ thông đầu phiếu” bầu ra cơ quan lập pháp quốc gia. Quốc hội của nước Việt Nam độc lập, thống nhất họp kỳ đầu tiên vào ngày 2/3/1946, quyết định lấy tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, lấy lá “cờ đỏ sao vàng” làm biểu tượng quốc gia và bài hát “Tiến quân ca” của Văn Cao làm quốc ca. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam kỳ khởi nghĩa”. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trên trường quốc tế, phái đoàn Quốc hội của nước VNDCCH do Phó trưởng Ban Thường vụ Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Cộng hòa Pháp quốc (từ 16/4 đến 23/5/1946) đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng tại quảng trường La Nation – Paris (Palace de La Nation), trước sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo bạn bè Pháp và bà con Việt kiều yêu nước (Cục văn thư và tư liệu nhà nước). Dưới ngọn cờ ấy toàn dân Việt Nam “thề đem xương máu hết lòng chiến đấu cho tương lai”, đã lập nên bao chiến công kỳ tích để có được một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, và độc lập. Năm 1954, lá cờ được phất phới tung bay trên chiến trường Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, đồng thời làm dấy lên cao trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên toàn thế giới.
Ngày 30/4/1975, trời Sài Gòn lại ngợp bóng cờ đỏ sao vàng, chứng kiến sự bất lực của đội quân viễn chinh hùng hậu nhất trong lịch sử loài người cùng với đội quân tay sai hàng triệu người thảm bại, trước sự kính phục của nhân dân yêu chuộng tự do công lý trên toàn thế giới.
Quốc hội khóa VI họp ngày 24/6/1976, quyết định đổi tên nước là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và đều nhất trí lấy lá “cờ đỏ sao vàng” làm biểu tượng quốc gia và bài hát “Tiến quân ca” của Văn Cao làm quốc ca.
Trong lịch sử Việt Nam, đó là lá cờ duy nhất biểu tượng cho một nước Việt Nam thống nhất và độc lập.
Trong lịch sử loài người có lá cờ nào biểu trưng cho lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất giành độc lập tự do, lại trải qua bão tố phong ba, thăng trầm mà oanh liệt vẻ vang như thế?
KỲ SAU: CỜ LONG TĨNH