THẤT BẠI trong khâu chuẩn bị là chuẩn bị cho một THẤT BẠI!

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

)Bí ẩn)- Đằng sau câu nói nổi tiếng của Fidel Castro về Việt Nam


(Nhà báo Lý Văn Sáu (tên khai sinh Nguyễn Bá Đàn, 1924-2012) nguyên Phó Trưởng phái đoàn đại diện thường trú Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Cuba. Bài viết được đăng với sự cho phép của gia đình tác giả)

Tháng 6/1962, khi đang làm Vụ phó Vụ Báo chí (Ban Tuyên huấn Trung ương), tôi được cử sang Cuba làm Phó Trưởng đoàn đại diện thường trú của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (Mặt trận). Kể từ khi thành lập ngày 20/12/1960, Cuba là nước đầu tiên trên thế giới công nhận về mặt ngoại giao Mặt trận. Hai năm sau, tức tháng 7/1962, Cuba lại là nước đầu tiên tiếp nhận Phái đoàn đại diện thường trú của Mặt trận với đầy đủ quy chế của một cơ quan ngoại giao. Thật ý nghĩa khi cơ quan đại diện đầu tiên của Mặt trận ở nước ngoài lại được đặt tại một nơi rất xa Việt Nam và cũng lại rất gần nước Mỹ…
Tình hữu nghị của Cuba dành cho Việt Nam
Khi có mặt ở Cuba, tôi và các thành viên trong phái đoàn đại diện thường trú đã được chứng kiến sự ra đời và phát triển rộng khắp của phong trào toàn quốc ủng hộ nhân dân Việt Nam. Trên đất bạn, từ cuối thế kỷ 18, người dân Cuba đã biết đến Việt Nam khi người anh hùng Cuba Hose Marti từng viết bài báo “Một cuộc dạo chơi trên đất của những người An Nam” để nói lên sự anh dũng của những người dân Việt Nam khi họ kiên cường vùng lên chống lại sự thống trị, áp bức của thực dân Pháp.
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, cái tên “Việt Nam” lại càng được người dân Cuba biết đến nhiều hơn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…. Trên đất nước Cuba đã xuất hiện những trường học mang tên Bác Hồ, nhà máy Võ Thị Sáu, hoặc ngôi làng mang tên gọi Bến Tre… Chỉ cần vừa ra khỏi sân bay quốc tế ở Thủ đô La Habana, chúng ta đã có thể gặp ngay con đường mang tên Nguyễn Văn Trỗi, đi một lúc nữa lại gặp vườn hoa Hồ Chí Minh,… chưa kể rất nhiều nhà máy, trang trại, công trường mang những tên gọi Việt Nam.
Tại nhiều khu phố, làng quê, phía bạn đã tổ chức các hoạt động hữu nghị thu hút quần chúng dưới nhiều hình thức thông qua các cuộc mít tinh, nói chuyện về Việt Nam. Có lần, phía bạn mời chúng tôi đến nói chuyện tại trại tù binh là những lính đánh thuê Mỹ bị bắt sống trong cuộc đổ bộ lên bãi biển Hiron ngày 17 tháng 5 năm 1961. Lần khác, bạn tổ chức cuộc chạy mang tên “Vì Việt Nam” trong chặng đường dài hơn 800 km từ Thủ đô La Habana tới thành phố Santiago de Cuba (nơi có pháo đài Moncada). Hàng trăm người đã thay nhau chạy bộ suốt ngày đêm, vừa chạy vừa mang theo quốc kỳ Cuba và lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mỗi lần đoàn dừng lại ở các làng quê, chúng tôi lại đứng ra tổ chức nói chuyện với người dân địa phương.
Trong thời gian 4 năm công tác ở Cuba, tôi cũng đã có điều kiện đi tới tất cả các đơn vị quân đội và 10 tỉnh, thành phố của nước bạn. Những năm đó, các đơn vị cấp tiểu đoàn của quân đội Cuba đều tổ chức các buổi mít tinh ủng hộ và nghe nói chuyện về Việt Nam. Ngoài ra, hình ảnh Việt Nam còn được nhắc đến trong các cuộc thi người đẹp. Hàng năm nước bạn vẫn thường tổ chức các cuộc thi sắc đẹp để tìm ra hoa hậu, trong số những câu hỏi kiểm tra kiến thức các thí sinh dự thi có cả những câu hỏi liên quan đến Việt Nam như: Bạn biết gì về tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam? Nguyễn Hữu Thọ là ai? Anh hùng Núp ở đâu?…
Đằng sau câu nói nổi tiếng của Fidel
Có một kỉ niệm khó quên với tôi trong thời gian công tác ở Cuba, đó là lần tôi được trực tiếp chứng kiến câu nói của lãnh tụ Fidel, câu nói mà sau này chúng ta vẫn thường hay nhắc tới mỗi khi nói về tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Cuba. Nhân đây tôi cũng muốn nhắc lại nguyên văn câu nói của Fidel khi đó là: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của chính mình”, trong đó hai từ được ông nhấn mạnh là “đến cả” và “chính mình”. Chủ tịch Fidel đã tuyên bố câu nói ấy tại cuộc mít tinh có sự tham dự của hơn 1 triệu người tại quảng trường Cách mạng ở Thủ đô La Habana.
Trước đó, nhiều lần Fidel đã nói: “Việt Nam chiến đấu không phải vì Việt Nam mà còn vì Cuba, vì nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới”. Là nhân chứng có mặt tại cuộc mít tinh ấy đúng 45 năm trước, tôi và tất cả những người Việt Nam có mặt hôm đó đã trào dâng một niềm tự hào, xúc động. Khi Fidel vừa dứt câu tuyên bố mạnh mẽ ấy, cả quảng trường Cách mạng như vỡ òa bởi những tiếng hò reo và tràng pháo tay của những người tham dự…
Câu nói của người đứng đầu nhà nước Cuba đã biểu thị sự ủng hộ mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam, lại diễn ra đúng vào thời điểm Cuba kỷ niệm ngày khởi nghĩa vũ trang cách mạng, 13 năm Chiến thắng Moncada (26/7/1966) và sau khi Hội nghị đoàn kết với nhân dân các nước Á-Phi-Mĩ Latinh vừa bế mạc tại Thủ đô La Habana…
Hồi đó, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Cuba dự hội nghị là đồng chí Trần Danh Tuyên – ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, còn trưởng đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là đồng chí Trần Văn Thành – Ủy viên Mặt trận. Ngay chiều hôm sau, lãnh tụ Fidel cho mời hai Trưởng đoàn đại biểu của miền Nam và miền Bắc Việt Nam tới gặp riêng. Tôi cũng được dự vì là phiên dịch cho hai đồng chí Trưởng đoàn. Fidel tiếp ba chúng tôi tại Cung Cách mạng. Cuộc gặp trở thành một sự kiện lịch sử mà giờ đây tôi trở thành nhân chứng sống duy nhất, và có lẽ rất ít người biết tới nội dung cuộc trò chuyện mà Fidel đã dành riêng cho chúng tôi chiều hôm ấy…
Mở đầu cuộc gặp, Chủ tịch Fidel nói: “Hôm nay tôi gặp các đồng chí để giải thích vì sao trong cuộc mít tinh ngày hôm qua, tôi lại nói rằng: ‘Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng tới cả máu của chính mình’. Tôi nói ra câu ấy trước hết là vì tình đoàn kết vô điều kiện mà chúng tôi dành cho nhân dân Việt Nam và thể hiện quyết tâm của chúng tôi luôn luôn ủng hộ các đồng chí trong cuộc đấu tranh chống Mỹ. Thứ hai, bối cảnh hiện nay buộc tôi phải nói ra như vậy bởi trong năm 1966 Cuba đã được Trung Quốc cam kết cung cấp gạo, món lương thực chủ yếu của chúng tôi, nhưng đến gần thời điểm này (tháng 7/1966), phía Trung Quốc lại thông báo rằng năm nay Trung Quốc vì phải dành gạo cho Việt Nam nên không có gạo cho Cuba. Hai bên trước đó đã thỏa thuận rồi, vậy mà giờ đây Trung Quốc lại tuyên bố như vậy. Quyết định này của Trung Quốc thực sự đã làm khó chúng tôi vì giờ đây chúng tôi làm thế nào tìm ra kịp đối tác để mua hoặc xin viện trợ? Tôi biết sự việc không hẳn như những gì họ giải thích, còn nếu quả thực là vì Việt Nam thì chúng tôi sẵn sàng nhịn đói để nhân dân Việt Nam có gạo mà chiến đấu, thậm chí chúng tôi còn sẵn sàng hiến dâng tới cả máu của chính mình”.
Cuộc trò chuyện với Chủ tịch Fidel hôm ấy đã làm cho chúng tôi hiểu ra một điều: Lãnh tụ Fidel đã thể hiện sự bất bình trước thái độ của Trung Quốc trong quan hệ với Cuba mà nguyên nhân sâu xa chính là do tại thời điểm đó, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đang căng thẳng và có nguy cơ dẫn tới xung đột. Thái độ của Trung Quốc là một áp lực đối với Cuba, trong khi Cuba vẫn duy trì mối quan hệ khăng khít với Liên Xô, điều làm cho Trung Quốc không “bằng lòng”, và họ đã dùng viện trợ như một sự mặc cả, một biện pháp hòng ép lập trường của nước nhận viện trợ thay cho sự giúp đỡ vô tư, trong sáng mà trước đó họ vẫn duy trì với Cuba.
Tôi muốn đem câu chuyện này ra kể lại vào thời điểm hiện nay khi Trung Quốc đang có những hành xử ngang ngược tại khu vực thuộc phạm vi chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Đã qua 45 năm kể từ ngày Fidel nói lên câu nói bất hủ, hiện cả hai đồng chí trưởng đoàn cùng dự trong cuộc gặp năm ấy đều đã mất, chỉ có duy nhất mình tôi là người còn sống trong số những nhân chứng từng có mặt trong sự kiện lịch sử ấy, vì vậy tôi thấy mình cần nói ra một cách đầy đủ những gì diễn ra quanh câu nói của Fidel.
Không ai nghi ngờ việc Fidel ủng hộ Việt Nam khi ông đã phát biểu những điều gan ruột giữa một biển người tại Quảng trường Cách mạng, nhưng cũng sẽ không có nhiều người hiểu được vì sao Fidel phải nói ra như vậy trong thời điểm ấy…
Hà Nội, 07/07/2011.
Theo VIETNAMNET / NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tàu Nga đâm húc, nã đạn vào tàu Ukraine: 24h tới sẽ là thời khắc cân não...




(Nóng)-Tàu Nga áp sát, đâm va với tàu hải quân Ukraine hôm 25/11. Video: Twitter.



7h sáng 25/11 (11h ngày 25/11 giờ Hà Nội), tàu pháo Berdiansk, Nikopol và tàu kéo Yany Kapu của hải quân Ukraine tiến gần tới eo biển Kerch do Nga kiểm soát, nối liền Biển Đen với Biển Azov. Các tàu trước khi đi qua eo biển này thường thông báo trước lịch trình với phía Nga, nhưng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cáo buộc ba chiến hạm Ukraine đã không "tuân thủ quy trình", theo RT.
Kiev cho biết nhóm tàu di chuyển từ thành phố cảng Odessa tới Mariupol theo kế hoạch đã thông báo cho Moskva từ trước. Phía Nga bác bỏ, khẳng định không nhận được thông tin về chuyến đi của nhóm tàu Ukraine.
Nga lập tức triển khai các tàu cảnh sát biển liên tục yêu cầu tàu chiến Ukraine rời khỏi lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước này, nhưng nhóm tàu này dường như đã phớt lờ. "Họ đi vào khu vực tạm thời bị phong tỏa, thực hiện nhiều động tác di chuyển nguy hiểm và không chấp hành mệnh lệnh từ nhà chức trách Nga", FSB ra thông cáo cho biết.




Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

(MTSSN)-Ông Medvedev "sửa gáy" phiên dịch trong chuyến thăm Việt Nam: Dịch là "Đồng chí" chứ!

Tại cuộc hội đàm năm 2010, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có hỏi Tổng thống Nga Medvedev có thể xưng hô là "đồng chí" được không, ông Medvedev đồng ý ngay.

LTS: Hôm nay, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của nhà báo Phan Việt Hùng, thư ký tòa soạn tạp chí Bạch Dương (Hội hữu nghị Việt-Nga) về cách xưng hô đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo hai nước. 

---
Trong nhiều cuộc tiếp xúc từ gần chục năm trở lại đây, lãnh đạo Việt Nam và Liên bang Nga thường gọi nhau "đồng chí" (trong tiếng Nga là Товарищ). Các cuộc tiếp xúc gần đây giữa Tổng thống Putin với các lãnh đạo Việt Nam, gần đây nhất là với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 9/2018, đôi bên đều sử dụng "đồng chí Tổng bí thư", "đồng chí Tổng thống"...
Nếu theo dõi cách xưng hô của các lãnh đạo Nga với lãnh đạo các nước, có thể thấy đây là một ngoại lệ khá đặc biệt. Thường, họ hay gọi các nguyên thủ nước khác là господин (ngài) và ngược lại: Ngài tổng thống, Ngài thủ tướng...
Hôm nay, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam. Ông Medvedev sang thăm Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 10/2010, cũng gần 10 năm rồi, trên cương vị Tổng thống Nga.
Khi đó, tại cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư có hỏi Tổng thống Nga Medvedev có thể xưng hô là "đồng chí" được không, ông Medvedev đồng ý ngay.
Vậy nên khi bạn phiên dịch của ông Medvedev dịch sang tiếng Nga câu mở đầu của Tổng bí thư là "Уважаемый господин президент Российской Федерации" - Thưa ngài Tổng thống Liên bang Nga", ông Medvedev liền mỉm cười nhắc ngay bạn phiên dịch "Товарищ" - "Đồng chí chứ".
Và từ đó trở đi, suốt cuộc gặp đôi bên đều sử dụng cách xưng hô là "đồng chí". Có thể đó là tiền lệ để các cuộc gặp song phương sau này giữa lãnh đạo hai nước, hai bên đều sử dụng cách xưng hô thân mật và đầy tin cậy này.
Cũng cần nói thêm, hiện nay trong quân đội Nga vẫn sử dụng cách giao tiếp (có văn bản quy định hẳn hoi) là "đồng chí".
Tháng 4/2015, ông Medvedev có chuyến thăm chính thức thứ ba đến Việt Nam, lần này ở cương vị Thủ tướng. Tại cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Medvedev mở đầu: "Đồng chí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kính mến" (Уважаемый товарищ Генеральный секретарь центрального комитета Компартии Вьетнама Нгуен Фу Чонг)
Tôi đã có mặt tại cuộc gặp của ông Medvedev với các cựu lưu học sinh Liên Xô và Nga 8 năm trước tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô.
Tại cuộc gặp đó, dịch giả Nguyễn Thụy Anh đã phát biểu nói lên mong muốn Tổng thống Medvedev sẽ quan tâm giúp đỡ để ngày càng có nhiều thêm các tác phẩm văn học Nga được dịch để độc giả Việt Nam biết nhiều thêm về nền văn học đồ sộ này. Tổng thống mỉm cười đồng ý.
Và ông đã không quên lời hứa. Dự án Dịch sách văn học Nga - Việt theo chỉ thị của Tổng thống Nga Medvedev đã ra đời. Từ năm 2013 đến nay, các tác phẩm dịch văn học Nga-Việt và Việt-Nga liên tiếp được xuất bản, nối dài thêm dòng chảy hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực văn học nói riêng và trong văn hóa nói chung.

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

(Bí ẩn)-Ly kỳ hành trình CIA Mỹ ‘đánh cắp’ tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển

Xem kỳ 1
Xem kỳ 2
Giám đốc CIA William E. Colby khi đó phải gặp riêng tờ Los Angeles Times đề nghị họ không công bố thông tin. Tuy nhiên, vào ngày 18/2/1975, Los Angeles Times đã tung lên mặt báo toàn bộ những thông tin mà họ nắm được về Dự án Azorian.
Phóng viên điều tra Jack Anderson còn tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng các chuyên gia hải quân khẳng định tàu ngầm Liên Xô bị chìm không chứa bí mật đáng kể nào và dự án trục vớt nó là sự lãng phí tiền của người nộp thuế.
Trong khi đó, khi vụ việc vỡ lở, Liên Xô lập tức điều tàu đến bảo vệ khu vực tàu đắm, và để tránh leo thang căng thẳng, Nhà Trắng đã hủy bỏ sứ mạng trục vớt khoang tàu còn lại của K-129. Theo các tài liệu được giải mật, Chính phủ Mỹ đã chi tới 800 triệu USD (tương đương với 3,8 tỷ USD theo tỷ giá năm 2016) cho Dự án Azorian, khiến nó trở thành chiến dịch tình báo tốn kém nhất trong lịch sử Chiến tranh Lạnh.
Dự án Azorian không thành công về mặt tình báo nhưng đã tạo ra bước đột phá về kỹ thuật trong cứu hộ biển sâu. Nó mở đường cho sự phát triển của công nghệ khai thác khoáng sản ở độ sâu lớn.
Một phần xác tàu ngầm Liên Xô mà Mỹ trục vớt được.

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

(Bí ẩn)-Ly kỳ hành trình CIA Mỹ ‘đánh cắp’ tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển

Kỳ 2
Xem kỳ 1
Trong những năm 1970-1974, chiếc máy này được bí mật chế tạo. Để che đậy việc trục vớt, CIA trưng dụng tàu Glomar Explorer chuyên thăm dò khoáng sản biển sâu thuộc sở hữu của tỷ phú Howard Hughes, Chủ tịch Summa Corporation. Sứ mệnh “lấy trộm” xác tàu ngầm Liên Xô được ngụy trang dưới vỏ bọc hoạt động thăm dò hải dương và khai khoáng ở đáy biển.
Phần đáy tàu Glomar Explorer được cắt một khoang lớn chứa chiếc máy trục vớt. Khoang có cửa để đóng lại trong quá trình di chuyển. Để tránh những con mắt dòm ngó từ các máy bay, tàu thuyền và vệ tinh do thám của Liên Xô, toàn bộ sứ mạng trục vớt tàu K-129 đều diễn ra ngầm trong lòng biển.
Ngày 4/7/1974, tàu thăm dò Hughes Glomar Explorer di chuyển từ Long Beach, California tới địa điểm xác tàu K-129 và ở lại khu vực này trong hơn một tháng mà không bị nghi ngờ, kể cả khi bị các tàu và máy bay Liên Xô theo dõi suốt thời gian đó.
Khu vực K-129 bị đắm (chữ đỏ) so với Trân Châu cảng, Hawaii, Mỹ.

Nhưng chiến dịch “ăn trộm” tàu ngầm K-129 cũng đặt ra những rủi ro lớn với thủy thủ đoàn. Khi K-129 đang được máy kẹp nâng lên, một khoang lớn của tàu ngầm bất ngờ vỡ rời, chìm ngược trở lại đáy đại dương sâu thẳm.
Thủy thủ đoàn chỉ vớt lên được khoang nhỏ hơn của tàu có chứa thi thể của sáu thủy thủ Liên Xô. Các thủy thủ xấu số được làm nghi lễ hải táng. Phải tới tận năm 1992, Giám đốc CIA Robert Gates mới cung cấp đoạn băng ghi hình buổi lễ hải táng này cho Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin.
Sau khi vuột mất một khoang quan trọng của tàu ngầm, một sứ mạng thứ hai, tương tự như Dự án Azorian đã được lên kế hoạch để tiếp tục trục vớt khoang bị vỡ. Tuy nhiên, một sự cố tai hại đã xảy ra ngay trước khi sứ mạng này được tiến hành. Những tên trộm đã đột nhập vào một số văn phòng của tỉ phú Howard Hughes, lấy đi nhiều tài liệu mật tiết lộ mối quan hệ của Hughes với CIA. Dự án mật nhanh chóng bị phơi bày.
CIA phối hợp với Cục Điều tra Liên bang (FBI) cùng Sở cảnh sát Los Angeles truy bắt tên trộm để lấy lại tài liệu tuy nhiên, nhiều thông tin đã rò rỉ ra ngoài.
Còn nữa

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

(Bí ẩn)- Ly kỳ hành trình CIA Mỹ ‘đánh cắp’ tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển

Chiến dịch tuyệt mật do CIA chỉ huy đã trục vớt lên được con tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo của Liên Xô bị đắm trên Thái Bình Dương dưới một vỏ bọc không ngờ.
Năm 1968, khi Chiến tranh Lạnh đang ở cao trào, tàu K-129 – tàu ngầm Liên Xô được trang bị ba quả tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung R-21 – đắm trên Thái Bình Dương sau khi rời cảng trên bán đảo Kamchatka.
Tàu thăm dò khoáng sản Glomar Explorer được huy động để che mắt cho chiến dịch.

Sau những nỗ lực tìm kiếm bất thành, chính phủ Liên Xô đành từ bỏ chiến dịch tìm tàu đắm bởi thiếu công nghệ. Nhận thấy người Liên Xô vẫn chưa nắm được vị trí chính xác của tàu K-129, vốn được ví như “một mỏ vàng” thông tin tình báo về Liên Xô, chính phủ Mỹ đã nảy ra ý tưởng đánh cắp con tàu để tìm hiểu về vũ khí chiến lược của đối thủ.
Sứ mạng này được đặt mật danh là Dự án Azorian. Dự án tuyệt mật Azorian được giao cho Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Mỹ chỉ huy, phối hợp với Lầu Năm góc.
Rất nhanh sau khi tàu Liên Xô chìm, Hải quân Mỹ đã huy động thiết bị định vị thủy âm để xác định vị trí xác tàu. USS Halibut, tàu ngầm trinh sát tinh vi của Mỹ, được lệnh tìm kiếm con tàu của Liên Xô. Halibut được trang bị các phương tiện tìm kiếm và cứu hộ biển sâu hiện đại.
Nó đi vào khu vực nghi tàu ngầm Liên Xô chìm và triển khai tàu ngầm không người lái điều khiển từ xa (ROV) để tìm kiếm. Đội ngũ tìm kiếm chụp khoảng 20.000 bức ảnh và xác định được vị trí xác tàu ngầm Liên Xô. Thì ra K-129 chìm ở độ sâu 4,8km, cách tây bắc Hawaii khoảng 2.900km.

Để trục vớt được con tàu ngầm nặng 1.750 tấn, dài 40 mét đang nằm sâu gần 5km dưới đáy đại dương, CIA đã thuê các kỹ sư và nhà thầu mà họ tin rằng có thể hoàn thành nhiệm vụ gần như bất khả thi này bằng cách sử dụng một chiếc máy kẹp cơ khí khổng lồ, có nhiệm vụ ngoạm lấy thân tàu ngầm và đưa lên mặt nước.
Còn nữa