THẤT BẠI trong khâu chuẩn bị là chuẩn bị cho một THẤT BẠI!

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 THẾ NÀO ?

(ĐQT)-
Thời gian gần đây tôi thấy trên mạng xã hội có nhiều bài viết - kể về sự PHỒN THỊNH - PHỒN HOA của Sài Gòn và miền Nam trước 30/4/1975.
==



Các bài viết thường đề cập đến việc đi học, chữa bệnh không mất tiền; một người đi làm nuôi cả gia đình; nhiều gia đình có 9, 10 người con nhưng không ai bị thất học...
Kể cả ở chương trình “Quán Thanh Xuân” đã được VTV1 truyền hình trực tiếp ( vào tối thứ bảy khoảng giữa năm 2020 ) - có một vị nhà báo trạc tuổi tôi - tên là HDN ( tôi có biết vị nhà báo này vì có thời gian học cùng trường Đại học Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh )
Theo vị nhà báo này tự giới thiệu: là con của cán bộ tập kết; sau 30/4/1975 vị nhà báo này được vào miền Nam...
Phát biểu tại chương trình Quán Thanh Xuân - đại ý : “vị ấy” quá ngỡ ngàng trước cảnh tượng trên đường sắp đến và khi đến Sài Gòn - rất khác với tưởng tượng của vị nhà báo ấy khi ở Hà Nội “có lẽ do có những thông tin khác nhau“... và cuộc sống đầy đủ, sung túc; đầy đủ các loại hàng hóa của người Sài Gòn và của gia đình vị ấy ở một tỉnh ở miền Nam so với cuộc sống của vị nhà báo ấy ở Hà Nội...
Tôi không phản đối hoặc phủ nhận những nội dung các bài viết trên, cũng như ý kiến của vị nhà báo nọ đã nói trong “Quán Thanh Xuân”...
Vì xã hội, cuộc sống ở đâu, lúc nào cũng vậy: muôn màu, muôn vẻ, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh“...

Tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình; góc nhìn của mỗi người...
Những người thật sự cầu thị, cần tìm hiểu, nghiên cứu... chịu khó tìm hiểu: đọc, nghe từ nhiều phía, nhiều nguồn - mới có thể hình dung được bức tranh tương đối về Sài Gòn, Miền Nam trước 30/4/1975 như thế nào:
Tôi năm nay trên 64 tuổi, theo gia đình vào Sài Gòn từ năm 1967, ở tại khu Cù Lao (nay là khu vực trung tâm TDTT- phường 02, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh).
Hàng ngày mọi người đi học, đi làm... phải qua đò sang quận 1;
Gia đình tôi ở trong căn nhà thuê: mái và vách xung quanh bằng lá dừa nước, nền nhà bằng đất (không có tráng xi măng) - hàng xóm xung quanh đa số ở nhà sàn trên kênh Nhiêu Lộc. Đi vệ sinh bằng nhà cầu cá tra ( công cộng ) - cách nhà khoảng trên dưới 100 mét - sau này có người gọi là “CẦU TÕM“ - tuy là nhà vệ sinh công cộng - nhưng được cái thoáng mát đông vui thoải mái .. và mỗi lần nghe “TÕM“ một cái - một bầy cá tra vùng vẫy tranh phần - nghe âm thanh rất vui tai - cho nên sau này tôi mới hiểu tại sao người ta gọi là “CẦU TÕM“ ...
Khu vực nhà tôi ở lúc đó - không có điện, nước; nước dùng để nấu ăn, uống phải mua từ trên các ghe bán dạo trên kênh Nhiêu Lộc ; ban đêm thắp sáng bằng đèn dầu ....
Mỗi khi chuẩn bị bữa ăn; hoặc còn cơm nguội dùng để ăn sáng ... mẹ tôi, chị tôi sai tôi lấy cái chén ( ngoài Bắc gọi là cái bát ) hoặc cái chai ra tiệm tạp hoá trong xóm mua một ít dầu ăn, nước mắm , nước tương, bột ngọt ( mì chính )... để nấu thức ăn, chiên ( rang ) cơm ...
Từ năm 1967 đến năm 1975 tôi thay đổi nơi ở rất nhiều nơi, nhưng có 3 ( ba ) nơi tôi ở trên 1( một ) năm :
- Đầu tiên tôi ở khu Cù Lao ( nay là phường 02 quận Phú Nhuận ) - nơi này hoàn toàn không có điện, nước máy ( nước Thủy Cục - bây giờ chúng ta hay gọi nước của Công ty Cấp Nước ).
- Sau đó tôi ở khu vực Cây Quéo ( nay là phường 05 quận Phú Nhuận ) - ở đây dùng nước giếng múc như ở nông thôn miền Bắc và miền Trung; có điện nhưng rất yếu - chỉ dùng được bằng bóng đèn tròn ( sau này hay gọi là đèn sợi tóc ) - không sử dụng được bóng đèn ne’ong ( tức là bóng đèn dài ); mãi đến năm 1972 mới thay bằng điện 220V .
- Nơi thứ ba là khu vực Khám Chí Hoà - hiện nay là phường 13 quận 10 - ở đây có điện nước .
Tôi nhớ lại: trong hai nơi tôi ở lúc đầu - trong nhà chưa bao giờ có được một chai dầu ăn một gói bột ngọt; nếu có chỉ có được chai xì dầu 2 lá Bồ đề của Chùa Giác Sanh sản xuất; gạo, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, đường... đều mua lẻ để sử dụng hàng ngày ...
Tất nhiên các tiệm tạp hoá, các sạp bán hàng ở các chợ đều có bán lẻ như thế và tôi cũng xin nói thêm: gia đình tôi cũng không phải thuộc loại nghèo mạt hạng ở Sài Gòn lúc đó...
Sáng dậy, có hôm được ăn cơm chiên, có hôm nhịn đói, qua đò để đến trường học.
Mẹ tôi, chị tôi bán rau ở vỉa hè trên các con đường xung quanh chợ Tân Định, chợ Sài Gòn ( Chợ Bến Thành ) .
Tháng 7 năm 1967 - lúc đó tôi đã 10 tuổi, tôi được đến trường lần đầu tiên trong đời - vì đã lớn, nên gia đình xin vào học lớp ba - lớp học của tôi được trường sắp xếp 3 lớp: lớp ba, lớp tư, lớp năm ( nay là lớp lớp ba, lớp hai, lớp một ) học chung trong một phòng và có một thầy giáo dạy cả ba lớp... Ngôi trường đầu tiên tôi học ở đường Trần Nhật Duật phường Tân Định quận 1 ( trước 30/4/1975 và hiện nay khu vực này đều gọi là phường Tân Định )
Chị tôi, lúc đó 19 tuổi - ( cao lớn phù hợp với độ tuổi ) nhưng khi cảnh sát xét giấy ( bây giờ là kiểm tra ): chị tôi chưa có thẻ căn cước, và theo giấy khai sinh, chị tôi mới có 13 tuổi - cảnh sát nghi ngờ là Việt Cộng (người hoạt động Cách Mạng ) nên bắt giam tại trại giam cảnh sát quận 1 năm trên đường Mạc Đỉnh Chi ( kế bên toà Đại sứ Mỹ ); sau gần 10 ngày điều tra, cảnh sát không phát hiện được mối liên hệ nào giữa chị tôi với Việt cộng nên chị tôi được ra tù...
Trong quá trình chị tôi bị giam, tôi theo gia đình vào thăm nuôi , phải đi bộ từ nhà đến trại giam ( lúc đó, hàng ngày tôi đi bộ trên đoạn đường 5 - 6 cây số là chuyện rất bình thường )... Trong khi đó các bạn trạc tuổi tôi hàng ngày đi học đều có xe đưa đón, xong xe đưa đón mẹ các bạn ấy đi chợ, đi chơi bằng xe “CÔNG XA“ ( xe công ) là việc rất bình thường - lúc đó tôi nghĩ đó là việc đương nhiên vì ba của các bạn ấy là sĩ quan cấp Tá ...
Hiện nay thỉnh thoảng tôi nhìn thấy các anh em Công an phường , trật tự đô thị ... đuổi bắt người bán hàng chiếm dụng lòng lề đường ...
Tôi lại nhớ đến mẹ tôi lúc đó - bán trầu cau trên các lề đường xung quanh chợ Sài Gòn ( chợ Bến Thành )- nhiều lần bị Cảnh sát và Nhân dân tự vệ bắt đem về đồn Cảnh Sát - có thể do mẹ tôi nhiều tuổi và hơi chậm chạp nên Cảnh Sát chưa nghi ngờ là Việt Cộng; cho nên sau đó mẹ tôi được tha, họ chỉ lấy hàng hoá, để không được bán nữa ...
Viết đến đây, tôi nhớ lại tình cảnh của những thanh niên ( khái niệm chỉ con trai; còn con gái thời đó gọi là thanh nữ khác với miền Bắc: thanh niên là thế hệ trẻ - kể cả nam và nữ ) lúc đó không dám đi ra ngoài đường nếu không có một trong các giấy tờ sau :
Giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh
Giấy hoãn dịch vì lý do học vấn
Giấy hoãn dịch vì lý do tôn giáo
Họ có thể bị cảnh sát hoặc quân cảnh khám xét và bắt giữ bất cứ lúc nào - Cảnh sát, an ninh, mật vụ ... có quyền vào trong nhà khám xét bất cứ lúc nào; nếu họ nghi ngờ có liên quan đến Việt Cộng và để bắt người đi lính !
Tôi từng chứng kiến: có nhiều người trốn ở nhà lâu ; do quá tù túng - không chịu nổi ; nên đành phải đăng ký đi lính , một thời gian ngắn sau đó đã tử trận .... gia đình gào khóc , kêu tên ông Thiệu ( Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu ) đòi phải trả lại chồng , con cho họ ... !!!
Tôi đi học được khoảng vài tháng, vì gia đình chưa đóng học phí , nên tôi phải nghỉ học .
Gần Tết Mậu Thân ( đầu năm 1968 ), người tôi mệt mỏi, phù thũng ... gia đình phải đưa tôi vào bệnh viện Nhi Đồng ( ở đường Sư vạn Hạnh Sài Gòn - bây giờ là bệnh viện Nhi Đồng 1 ) ;
Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết : tôi bị suy dinh dưỡng - nên bị phù thũng như thế, phải nhập viện... gần Tết, gia đình cho về nhà; rồi Tổng tấn công xuân Mậu Thân xảy ra - tôi trốn luôn, không vào lại bệnh viện theo lời dặn của bác sĩ ....
Nhớ lại thời gian tôi nằm bệnh viện, mỗi lần đi vệ sinh tôi rất sợ vì dơ bẩn ... được dịp gần Tết - bệnh nhi ít, bác sĩ, y tá ... cũng vắng nên tôi lẽn vào nhà vệ sinh của nhân viên bệnh viện cho đỡ sợ ...
Viết đến đây, tôi nhớ đến việc mẹ tôi, chị tôi nuôi cha tôi nằm trong bệnh viện Bình Dân trước đó vài tháng kể lại chuyện nhà vệ sinh trong đó khủng khiếp thế nào ... cũng như những chú chuột to gần bằng chai bia laver ( loại 65 cc ) chạy ngang nhiên trong bệnh viện ... Tôi không nhớ rõ, có lẽ các bệnh viện này không thu tiền; nếu có, chỉ thu một số tiền tượng trưng ...
Sài Gòn trước năm 1975 phồn thịnh - phồn hoa đối với tôi, gia đình tôi và có lẽ của hàng vạn gia đình khác là như thế đó ...
À, nhân đây tôi cũng xin nói thêm về các con hẻm nhỏ nơi tôi ở và một số con hẻm ở các khu vực trung tâm Sài Gòn lúc đó ( hiện nay như phường Tân Định quận 01, phường 05 quận 3 ... ) mà tôi có dịp đi đến đó ( những tháng, ngày gần 30/4/1975 ): nền đường gập ghềnh, lồi lõm, đọng nước, ban đêm không có đèn đường - sử dụng ké ánh sáng từ các nhà hai bên đường hẻm ...
Tất nhiên, Sài Gòn trước năm 1975 đối với một số người cũng rất phồn thịnh - phồn hoa ...
Với những khách sạn cao tầng như : Caravell , PALACE ... nhiều nhà hàng sang trọng như: Á Đông, Bát Đạt, Broda, Grival, Liberty, Maxim ... những trung tâm thương mại đầy ắp hàng hiệu trên thế giới như: Thương Xá TAX, EDEN .... Những bệnh viện sang trọng không khác gì khách sạn như: bệnh viện Đồn Đất ( Grall ) nay là bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh viện Quảng Đông, Triều Châu, Sùng Chính ...
Hà Nội lúc đó - có thể - không so sánh được với Sài Gòn về nhà cao tầng, đường sá, xe cộ, hàng hoá ...
Như tôi đã nêu ở trên - tôi không phủ nhận những nội dung trong các bài viết - cũng như ý kiến của vị nhà báo nọ; tôi chỉ xin nêu ra để mọi người biết và hiểu thêm ...
Nhất là nhiều người ở Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung trong đó có những người tập kết là bà con, họ hàng của tôi trước năm 1975 biết và hiểu thêm về sự phồn thịnh - phồn hoa của cái gọi là “ SÀI GÒN - HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG - THỦ ĐÔ CỦA VNCH “ ....
Tôi chỉ xin ghi chép một vài chuyện như thế ... có dịp tôi sẽ trao đổi thêm về Sài Gòn - Miền Nam trước 30/4/1975 - để mọi người biết và hiểu thêm về một góc nhìn khác - nhất là các bạn trẻ, trong đó có các em, các cháu - nhất là để cho các con của tôi được biết, được hiểu ...
(Quảng Ngãi ngày 30/4/2021)
Cre: Đỗ Ngọc Nguyên Khôi - Người từng sống suốt thời trẻ tại Sài Gòn xưa !