THẤT BẠI trong khâu chuẩn bị là chuẩn bị cho một THẤT BẠI!

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

Nghệ sĩ hay giang hồ?

(ĐQT)-

'Đây là những nghệ sĩ hay giới giang hồ?' - câu hỏi của nhiều người khi chứng kiến nghệ sĩ rủ nhau đi 'hỏi tội' gymer khiến tôi đau xót.

Vụ việc nghệ sỹ hỏi tội gymer ngoài những sự tung hô theo kiểu "bầy đàn", đâu đó vẫn còn những lời bình luận tiếc nuối cho một thế hệ "nghệ sĩ" tự phong, những người đang hoạt động trong giới nghệ thuật. Tôi thấy có người đặt câu hỏi: "Đây là những nghệ sĩ hay giới giang hồ?". Để người đời đánh đồng hai chữ thiêng liêng "nghệ sĩ" với dân "giang hồ" quả thực đau xót lắm thay.

Quan điểm phong kiến ngày xưa có bốn nghề nghiệp đáng quý trọng là "sĩ, nông, công, thương" hay còn gọi là "tứ dân". Có nhiều nhóm xã hội nằm bên ngoài phạm vi "tứ dân" trong hệ thống phân cấp xã hội. Những người này bao gồm tăng lữ và thầy bói, hoạn quan và vợ lẽ hay nghề xướng ca, vui múa ít có hữu dụng trong xã hội. Nghề ca hát lại bị gọi là "xướng ca vô loài".

Bởi vì quan điểm này mà nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử gặp rất nhiều gian truân, khổ sở. Ví dụ như Đào Duy Từ, vì có cha làm nghề ca hát, nên ông không được đi thi để ra làm quan dưới triều vua Lê - chúa Trịnh. Mãi cho đến sau này mới được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng. Trong quyển Đại Việt Sử ký toàn thư có nói, luật pháp thời nhà Lê: "Nhà phường chèo, con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan có tiếng xấu, thì bản thân và con cháu đều không được dự thi".

Xã hội dần phát triển, quan điểm khắc nghiệt này cũng được cởi mở nhưng vẫn không thoát được "tiếng xấu". Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết từng thổ lộ: "Từ nhỏ, tôi đã được giáo dục trong khuôn khổ. Khi tôi đi hát, bên nội tôi nói ra nói vào, cho rằng ba tôi dạy con không có nghiêm, mới sinh ra một đứa 'xướng ca vô loài' như tôi. Lời nói đó chạm tới sự tự ái của một con người có tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, tôi quyết tâm phải đỗ tiến sỹ bằng được. Ngoài ra, động lực lớn hơn để tôi học lên tiến sĩ là cảm thấy trách nhiệm của một người nghệ sĩ với nghệ thuật nước nhà".

"Xướng ca vô loài" là nhát dao chí mạng cũng là động lực cho những người đam mê nghệ thuật theo đuổi. Họ phải đánh đổi nhiều thứ như sức khỏe, danh dự để theo đuổi đam mê, để chứng tỏ với người đời rằng họ cũng phải vất vả, "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" cũng như ai, cũng xứng đáng được trân trọng trong cuộc sống này. Thời đó, được mang danh hai chữ "nghệ sĩ" là điều vô cùng hãnh diện, là minh chứng cho những cố gắng đã bỏ ra và cũng là trách nhiệm tiếp tục cho sự nghiệp. Bởi vì tư tưởng đó mà thế hệ trước đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ tài giỏi, tạo ra những tác phẩm nổi tiếng, đạt được những giải thưởng danh giá trong nước và thế giới mà đến giờ trong thế hệ hiện tại vẫn còn ngưỡng mộ, mặc dù thù lao không đáng là bao.

Xã hội bây giờ, hầu như không còn nghe thấy cụm từ "xướng ca vô loài". Nếu có ai phát ngôn cụm từ này thì sẽ đánh giá là nói không có suy nghĩ, cổ hủ, nên giới hoạt động văn nghệ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, không bị người đời miệt thị như những giai đoạn trước. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà cái kim chỉ nam trong nghề dường như cũng bị lệch hướng. Những người mang danh nghệ sĩ tự cho rằng chỉ cần tạo vài ba scandal, xuất hiện trên TV, trên gameshow vài lần là có thể nổi tiếng, dễ dàng kiếm được nhiều tiền. Vì quá dễ dàng nên họ bất chấp mọi thứ.

Ngày xưa, hoạt động nghệ thuật phải đấu tranh giữa cái đam mê bản thân, muốn đem tiếng hát lời ca cho đời và định kiến "xướng ca vô loài". Dần dần, giới hoạt động nghệ thuật phải có trách nhiệm xóa bỏ cụm từ miệt thị kia, đồng thời phải giữ vững được thiên chức. Như nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết từng nói: "Thời tôi, vào nghề, các nghệ sĩ bảo nhau 'cải là cải cách, cải thiện con người; lương là lương thiện, nâng đỡ lương tâm của con người'. Bởi nói hộ lòng người nên nghệ thuật và những nghệ sĩ chân chính còn sống mãi".

Tre già măng mọc, từng lớp thế hệ cũ, thế hệ đàn anh, đàn chị dần dần trở về với trời, cũng cuốn theo những quan điểm đẹp về nghề. Có nhiều nghệ sĩ thế hệ mới lại quên đi những bài học về nghề (có lẽ đã được giảng dạy trong trường lớp). Thế hệ cũ vẫn còn những cái tên như nghệ sĩ Hữu Châu, Hoài Linh - những người đã lên tiếng về vụ việc nhiều nghệ sĩ kéo nhau đi "hỏi tội" một gymer: "Làm gì làm, sao cũng được, nhưng đừng để những người tốt đang thương yêu và trân trọng Nghề hát này, nghĩ mình toàn là những người hung dữ".

Đó là một sự trân trọng tuyệt đối, là thiêng liêng, một chữ "Nghề" được xây dựng từ thưở cha ông, đàn anh, đàn chị đi trước, vất vả lắm mới tạo được một hình ảnh đẹp đẽ trong lòng khán giả như hiện có. Tất cả đều đánh đổ bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của từng thế hệ.

Người ta hay nói, "cây lúa càng lớn thì càng cúi đầu", những thế hệ trước, tuy tuổi đã lớn, nhưng mỗi lần nói chuyện với độc giả, với người khác đều luôn khiêm tốn, nhẹ nhàng; đôi khi họ vẫn "dạ, thưa" cho dù họ đáng tuổi cha chú của người đối diện.

Trung Quốc có một thuật ngữ gọi là "phong sát", dùng để chỉ những ngôi sao bị khán giả quay lưng, sự nghiệp gần như bị lụi bại, khó có cơ hội quay lại hoạt động showbiz vì vướng phải scandal hay lỗi lầm cực lớn nào đó. Một khi đã bị "phong sát", những ngôi sao này sẽ bị chặn hầu hết các hoạt động trong làng giải trí, không thể đóng phim, lên truyền hình hay mở concert, sự nghiệp vì thế sẽ bị đóng băng, khó có cơ hội nào để vực dậy được nữa. Có lẽ vì vậy mà giới nghệ thuật Hoa ngữ khá "sạch", những nghệ sĩ rất sợ dính phải scandal, đồng lòng loại bỏ những người có ý định nổi tiếng bằng chiêu trò chứ không phải bằng tài năng.

Vụ việc "hỏi tội" Gymer có phải chăng là hồi chuông cảnh báo cho giới "nghệ sĩ" tự phong nói riêng và những người đang và sẽ hoạt động trong giới nghệ thuật Việt Nam nói chung về cách hành xử, về trách nhiệm của người trong nghề, để không hổ thẹn với các bậc tiền nhân?

Minh Pham